TỔNG QUAN VỀ DU LỊCH QUẢNG NINH - KING HALONG HOTEL 3* Hotline: 079.520.6787
Vị trí địa lý
Quảng Ninh là một tỉnh ven biển thuộc vùng Đông Bắc có toạ độ địa lý khoảng 106o26' đến 108o31' kinh độ đông và từ 20o40' đến 21o40' vĩ độ bắc. Điểm cực bắc là dãy núi cao thuộc thôn Mỏ Toòng, xã Hoành Mô, huyện Bình Liêu. Điểm cực nam ở đảo Hạ Mai thuộc xã Ngọc Vừng, huyện Vân Đồn. Điểm cực tây là sông Vàng Chua ở xã Bình Dương và xã Nguyễn Huệ, huyện Đông Triều. Điểm cực đông trên đất liền là mũi Gót ở đông bắc xã Trà Cổ, thị xã Móng Cái.
Quảng Ninh có tỉnh duy nhất có đường biên giới trên bộ, trên biển tiếp giáp với tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc). Phía bắc của tỉnh (bao gồm các huyện Bình Liêu, Hải Hà và thành phố Móng Cái) giáp huyện Phòng Thành và thị trấn Đông Hưng, tỉnh Quảng Tây với 132,8 km đường biên giới; phía đông là vịnh Bắc Bộ; phía tây giáp các tỉnh Lạng Sơn, Bắc Giang, Hải Dương; phía nam giáp với thành phố Hải Phòng. Toàn tỉnh có đường bờ biển dài 250 km.
Bản đồ tỉnh Quảng Ninh
Địa hình tự nhiên
Quảng Ninh là tỉnh miền núi, trung du nằm ở vùng duyên hải, với hơn 80% đất đai là đồi núi. Trong đó, có hơn hai nghìn hòn đảo núi đá vôi nổi trên mặt biển, phần lớn trong số đó chưa được đặt tên. Địa hình của tỉnh đa dạng, có thể chia thành 3 vùng gồm có: Vùng núi; Vùng trung du và đồng bằng ven biển; Vùng biển và hải đảo.
Vịnh Hạ Long với hơn 2000 hòn đảo đá
Khí hậu
Quảng Ninh nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới, có một nền khí hậu tiêu biểu cho các tỉnh miền núi phía Bắc. Một năm có bốn mùa xuân, hạ, thu, đông. Mùa hạ nóng, ẩm, mưa nhiều, gió thịnh hành là gió đông nam. Mùa đông lạnh, khô hanh, ít mưa, chịu tác động mạnh mẽ của gió đông bắc. Ngoài ra, do tác động của biển, nên khí hậu của Quảng Ninh nhìn chung mát mẻ, ấm áp, thuận lợi đối với phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp và nhiều hoạt động kinh tế khác.
- Về nhiệt độ: là tỉnh có nền nhiệt độ cao, nhiệt độ trung bình trong năm từ 21 – 23oC, có sự chênh lệch giữa các mùa, giữa vùng đồi núi với vùng ven biển.
- Mưa: là tỉnh có lượng mưa nhiều, tập trung chủ yếu vào mùa hạ (chiếm tới 85% lượng mưa cả năm), lượng mưa trung bình hàng năm 1.995mm. Lượng mưa ở các vùng cũng khác nhau.
- Gió: Quảng Ninh chịu ảnh hưởng sâu sắc của chế độ gió mùa. Gió mùa hạ thổi từ tháng 5 đến tháng 10, hướng đông nam, gây mưa lớn cho nhiều khu vực của tỉnh.
Dân số
Tính đến ngày 1 tháng 4 năm 2019, dân số toàn tỉnh Quảng Ninh đạt 1.320.324 người, mật độ dân số trên địa bàn tỉnh là 207 người/km2. Trong đó dân số sống tại thành thị đạt gần 846.254 người, chiếm 64,09% dân số toàn tỉnh, dân số sống tại nông thôn đạt 474.070 người, chiếm 35,91% dân số.
Hiện Quảng Ninh là tỉnh đông dân thứ 23 cả nước, với 43 dân tộc, trong đó dân tộc kinh chiếm 87,7%, dân tộc thiểu số chiếm 12,3%.
Trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có 22 dân tộc cùng sinh sống
Tôn giáo
Quảng Ninh là một vùng đất có nền văn hoá lâu đời. Ðạo Phật đến với vùng đất này rất sớm. Trước khi vua Trần Thái Tông (1225-1258) đến với đạo Phật ở núi Yên Tử thì đã có nhiều các bậc chân tu nối tiếp tu hành ở đó. Vua Trần Nhân Tông (1279-1293) chọn Yên Tử là nơi xuất gia tu hành và lập nên dòng Thiền trúc Lâm ở Việt Nam. Thế kỷ 14, khu Yên Tử và Quỳnh Lâm (Ðông Triều) là trung tâm của Phật giáo Việt Nam, đào tạo tăng ni cho cả nước. Nhiều thế kỷ sau đó, Ðạo Phật vẫn tiếp tục duy trì với hàng trăm ngôi chùa ở Quảng Ninh, trong đó có những ngôi chùa nổi tiếng như chùa Lôi Âm, chùa Long Tiên (Hạ Long), Linh Khánh (Trà Cổ), Hồ Thiên (Ðông Triều), Linh Quang (Quan Lạn)...
Những người tôn thờ các tôn giáo khác cũng có nhưng không đông như tín đồ Ðạo Phật. Hiện có 27 nhà thờ Ky Tô giáo của 9 xứ thuộc 41 họ đạo nằm ở 8 huyện, thị xã, thành phố. Số giáo dân khoảng hơn một vạn người. Tín đồ đạo Cao Ðài hiện có khoảng vài chục người. Tín ngưỡng phổ biến nhất đối với cư dân sống ở Quảng Ninh là thờ cúng tổ tiên, thờ các vị tướng lĩnh nhà Trần có công với dân với nước, các vị Thành Hoàng, các vị thần (sơn thần, thuỷ thần), thờ các mẫu (Mẫu Liễu Hạnh, Mẫu Thượng Ngàn, Mẫu Thoải)…
Chùa Đồng trên đỉnh thiêng Yên Tử
Nhà thờ Hòn Gai
Di tích lịch sử - Văn hóa - Danh lam thắng cảnh
Quảng Ninh có hơn 600 di tích lịch sử, văn hoá, nghệ thuật... gắn với nhiều lễ hội truyền thống, trong đó có những di tích nổi tiếng của quốc gia như chùa Yên Tử, đền Cửa Ông, di tích lịch sử Bạch Đằng, khu di tích Nhà Trần…
Quảng Ninh có hàng trăm di sản văn hoá phi vật thể, trong đó có 4 di sản đã được đưa vào danh mục Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia, gồm: Nghi lễ then cổ của người Tày (Bình Liêu), hát nhà tơ - hát (múa) cửa đình, lễ hội đền Cửa Ông (Cẩm Phả), lễ hội miếu Tiên Công (Quảng Yên).
Không chỉ có truyền thống lịch sử hào hùng cùng những nét đẹp trong văn hóa, Quảng Ninh còn được thiên nhiên ưu đãi ban tặng nhiều cảnh đẹp như vịnh Hạ Long, đảo Cô Tô, Quan Lạn, Bình Liêu… Trong đó có vịnh Hạ Long là điểm đã được UNESCO 2 lần công nhận là di sản thiên nhiên thế giới. Với những kiến tạo tuyệt vời của tạo hóa, vịnh Hạ Long đã thực sự trở thành một điểm đến được yêu thích trên bản đồ du lịch thế giới và có thể chinh phục mọi du khách.
Hát nhà tơ, múa cửa đình là một loại hình nghệ thuật độc đáo của vùng biển Quảng Ninh
Di tích bãi cọc Bạch Đằng (Quảng Yên - Quảng Ninh)
Bãi đá Móng Rồng (Cô Tô) luôn khiến du khách phải đắm say trước vẻ đẹp của mình